Ngày 20/6/2025, tại Trung tâm tổ chức Hội nghị Sen Vàng, Sở Dân tộc và tôn giáo tổ chức Hội nghị biểu dương, khen thưởng gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm 2025 với chủ đề: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”.
Quang cảnh Hội nghị
Cùng điểm lại những dấu ấn và khoảnh khắc đẹp đáng nhớ đối với mỗi hộ gia đình khi tham dự Hội nghị:
Một là, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp bộ máy hành chính, sáp nhập địa giới hành chính, sáp nhập tỉnh đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương nhằm mở rộng không gian phát triển, tạo nền tảng, sức bật cho đất nước trong kỷ nguyên mới. Sau khi sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới có 95 đơn vị hành chính cấp xã gồm 72 xã, 23 phường chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/7/2025.
Hai là, Hội nghị với sự tham dự của 50 gia đình tiêu biểu với trên 200 thành viên đại diện cho 64.525 gia đình văn hóa là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được chọn cử từ các huyện, thành phố. Đây là những gia đình tiêu biểu có nhiều thành tích đóng góp trong các trào thi đua yêu nước tại địa phương, đơn vị.
Ba là, mở đầu Hội nghị là Chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc đến từ đơn vị Nhà hát nghệ thuật tỉnh Đồng Nai đã tạo nên không khí vui vẻ, giao hòa trong ngày hội của các gia đình dân tộc thiểu số, tạo nên sự gắn kết bằng âm nhạc, qua các ca khúc, điệu múa thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu gia đình với các sắc màu mang đậm bản sắc dân tộc
Chương trình Văn nghệ với các tiết mục đặc sắc văn hóa dân tộc thiểu số
Bốn là, Mỗi một gia đình trong số 50 gia đình dân tộc thiểu số được chọn cử tham dự Hội nghị lần này đều mang đến Hội nghị những bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng riêng, ấn tượng nhất là qua sắc màu của trang phục truyền thống của các hộ gia đình khi đến với Hội nghị.
Đa dạng sắc màu các dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai qua trang phục của các hộ gia đình trong Hội ngh
Năm là, kết quả công tác gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 63.235 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn gia đình văn hóa trên 64.525 hộ gia đình dân tộc thiểu số. Chiếm tỷ lệ 98 % hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh. Các gia đình trong vùng đồng bào đều tiêu biểu trong phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, văn minh trong việc cưới, đám tang và lễ hội; chung sức gìn giữ giá trị văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Các gia đình dân tộc thiểu số tiêu biểu đã trở thành những tấm gương sáng ở cộng đồng dân cư trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc. Là nhân tố tích cực, quan trọng trong việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị đạo đức, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa và đời sống kinh tế - xã hội địa phương.
Sáu là, thông qua báo cáo và phóng sự giới thiệu những gương điển hình tiêu biểu đã khẳng định trong những năm qua gia đình ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ đơn thuần là tổ ấm mà còn là "trường học đầu tiên", "trung tâm văn hóa nhỏ", góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. Việc phát huy vai trò của gia đình là chìa khóa để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập.
Hộ ông Điểu Toa, dân tộc Chơ Ro giao lưu, trao đổi tại Hội nghị
Bảy là, Hội nghị trở thành diễn đàn nơi giao lưu, trao đổi của các hộ gia đình tiêu biểu, đại diện các gia đình mạnh dạn chia sẻ về những đóng góp của các hộ gia đình như: Hộ ông Điểu Toa, dân tộc Chơ Ro xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của của đồng bào dân tộc Chơro cho các thành viên trong gia đình và cộng đồng dân tộc Chơro tại địa bàn nơi ông sinh sống; hộ gia đình Ông Thạch Vương, dân tộc Khmer, xã Suối Cát, huyện Xuân Lộc chia sẻ về mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, những đóng góp của gia đình ông giúp đỡ, hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn nơi gia đình ông đang sinh sống hay như hộ gia đình ông K’ Gren, dân tộc Xtiêng, xã Tà Lài, huyện Tân Phú chia sẻ về những đóng góp của gia đình mình trong việc tham gia thực hiện công tác bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở… đó điều những điển hình tiêu biểu khẳng định việc phát huy tốt vai trò của mình trong việc giáo dục, nuôi dạy con cái chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nếp sống mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ban Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo chụp hình lưu niệm cùng các hộ gia đình
Những khoảnh khắc đáng nhớ của các hộ gia đình
Tám là, các gia đình lưu giữ những khoảnh khắc thật đẹp và ý nghĩa tại Hội nghị để mỗi gia đình đều cảm thấy vinh dự và tự hào khi gia đình mình được đại diện cho 13 thành phần dân tộc đại diện cho khoảng 200.000 người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tham dự Hội nghị, trong đó: dân tộc Chơ Ro, Hoa: Mỗi dân tộc 09 gia đình, dân tộc Nùng, Tày: Mỗi dân tộc 05 gia đình, dân tộc Khmer 04 gia đình, dân tộc X tiêng, Sán Dìu: Mỗi dân tộc 03 gia đình, dân tộc Cơ Ho, Mạ, Mường, Thái: Mỗi dân tộc 02 gia đình và dân tộc Dao 01 gia đình.
Ông Trần Đức Hòa – Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tặng Giấy khen cho các hộ DTTS tiêu biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Hồng Ân – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tặng Giấy khen cho các hộ DTTS tiêu biểu tại Hội nghị
Chín là, ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các hộ gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo đã tặng giấy khen cho 50 hộ gia đình. Qua đó khẳng định vai trò và mong muốn các hộ gia đình tiếp tục phát huy tính tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, học tập, rèn luyện, phát triển kinh tế gia đình, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương./.