Ngày 27/7 hằng năm là dịp để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong hành trình ấy, hình ảnh người Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người mẹ có nhiều con hy sinh trong các cuộc kháng chiến, luôn là biểu tượng cao quý của sự hy sinh thầm lặng, của lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của dân tộc. Mẹ Thứ - biểu tượng bất tử trong lòng dân tộc, là một trong những hình ảnh tiêu biểu ấy.

Hình 1. Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ
Mẹ Nguyễn Thị Thứ, sinh năm 1904, sinh ra và lớn lên tại xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Điện Thắng Trung, thành phố Đà Nẵng). Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ đã đi vào lịch sử không chỉ bởi sự mất mát lớn lao mà còn bởi tinh thần kiên cường, đức hy sinh vô bờ bến của người mẹ nông dân Việt Nam. Mẹ có 9 người con ruột, 1 con rể và 2 cháu ngoại đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sau những hy sinh đó, Mẹ Thứ sống một mình trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ. Mặc dù đau thương chồng chất, Mẹ vẫn luôn kiên cường động viên con cháu, hàng xóm tiếp tục tin tưởng và theo cách mạng. Mẹ sống giản dị, mẫu mực và giàu lòng yêu nước, thường xuyên tham gia công tác hậu phương, nuôi giấu cán bộ, góp công góp sức cho phong trào kháng chiến địa phương. Mẹ mất ngày 27/12/2010, thọ 106 tuổi.
Hình 2 - Mẹ Nguyễn Thị Thứ bên mâm cơm với 9 bát, 9 đôi đũa và lư hương tưởng nhớ 9 con liệt sỹ nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7
Mẹ Nguyễn Thị Thứ không chỉ là biểu tượng của sự hy sinh, mà còn là lời nhắc nhở về trách nhiệm của mỗi chúng ta hôm nay - sống sao cho xứng đáng với những mất mát, những giọt nước mắt và máu xương của lớp lớp cha anh đi trước. Những Mẹ Việt Nam Anh hùng như Mẹ Thứ ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ miền xuôi đến miền ngược, từ vùng đồng bằng đến miền núi, chính là những ngọn đèn thiêng soi sáng truyền thống “Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc ta.
Là công chức hiện công tác trong ngành quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo, tôi càng thấu hiểu hơn sự gắn bó máu thịt giữa Nhân dân cả nước nói chung, trong đó có một bộ phận Nhân dân là người dân tộc thiểu số, người có tín ngưỡng, tôn giáo đối với với Cách mạng Việt Nam. Nhiều Mẹ Việt Nam Anh hùng là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa nhưng luôn một lòng theo Đảng, nuôi giấu cán bộ, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Có Mẹ Việt Nam anh hùng dù mang tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau nhưng vẫn chung một lòng yêu nước, theo Đảng, không tiếc máu xương. Trong chiến tranh, có mẹ bí mật nuôi giấu cán bộ trong nhà thờ, hoặc giấu tài liệu cách mạng trong tượng thánh, bàn thờ, vừa giữ đạo, vừa làm cách mạng. Chẳng hạn như: Mẹ Nguyễn Thị Nho (Long An) - theo đạo Phật, có 5 con trai đều hy sinh trong kháng chiến. Mẹ Ma Thị Pàng (người Tày, Bắc Kạn) - sống trong rừng, từng giấu hàng chục cán bộ trong hang đá và chòi rẫy của mình. Mẹ Nguyễn Thị Bé (Tây Ninh) - là tín đồ Cao Đài, cả gia đình theo kháng chiến, hy sinh nhiều người thân.
Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025), xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ và dâng lên các Mẹ Việt Nam Anh hùng, những Mẹ Thứ giữa đời thường, một đóa sen lòng biết ơn sâu sắc. Chúng tôi, thế hệ hôm nay xin hứa sẽ tiếp nối truyền thống anh hùng ấy bằng hành động cụ thể như rèn luyện bản thân, tận tụy phục vụ Nhân dân, hết lòng vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, không ngừng học tập, cống hiến để xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hình 3 - Tượng đài Mẹ Nguyễn Thị Thứ tại Đỉnh núi Cấm, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Quảng Phú, thuộc thành phố Đà Nẵng)